Cơ duyên làm chiếc máy bay "made in Vietnam" của doanh nhân 50 tuổi
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 diễn ra từ 19 - 21/12/2024. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý của sự kiện này là sự xuất hiện của chiếc máy bay huấn luyện mang ký hiệu TP-150 được sản xuất tại Việt Nam.
Chiếc máy bay này lần đầu tiên ra mắt công chúng. Đây là sản phẩm của liên doanh hợp tác giữa Ý và Việt Nam, được thiết kế bởi Công ty Flying Legend Italy và sản xuất bởi Công ty Flying Legend Vietnam.
Công ty Flying Legend Vietnam được thành lập hồi tháng 11/2023 với vốn điều lệ 500 triệu đồng, trụ sở chính tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Hoạt động kinh doanh chính là sản xuất máy bay, tàu vũ trụ và máy móc liên quan.
Công ty có 3 cổ đông sáng lập là ông Nguyễn Thao (39,5% vốn cổ phần), ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Kỹ thuật Công ty Flying Legend Vietnam (10%) và ông Trần Hải Đăng - chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Flying Legend Vietnam (50,5%).
Đến tháng 3/2024, 49% vốn cổ phần của công ty đã được chuyển giao cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, RUMMOLINO FRANCESCO - CEO của Flying Legend và BANDIERA GIACOMO mỗi người nắm 24,5%. Các thông tin về cổ đông khác không được công bố chi tiết.
Chia sẻ về cơ duyên đối với chiếc máy bay này, tờ Sài Gòn Giải phóng dẫn lời ông Đăng cho biết, từ nhỏ, ông đã gắn bó với nhiều thế hệ đi trước, chủ yếu là phi công và kỹ sư máy bay, trong đó có cha ông - một phi công trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.
Sau gần ba thập kỷ làm việc trong ngành, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong bảo dưỡng, sửa chữa, thiết kế và đào tạo phi công. Do đó, ở tuổi 50, ông và các đồng nghiệp đã quyết định sản xuất máy bay huấn luyện và tuần tra TP-150.
"Thật vinh dự và tự hào khi chiếc TP-150 này được giới thiệu trong một triển lãm quốc phòng quốc tế mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Chiếc máy bay nhỏ bé của chúng tôi đứng cạnh những cỗ máy khổng lồ như C130J hay chiến đấu cơ A-10 do Mỹ sản xuất, một cảm giác vừa tự hào vừa nặng trĩu, thấy rằng mình còn phải cố gắng nhiều lắm", ông Đăng chia sẻ.
Ông Đăng cũng cho biết thêm, khát vọng làm chủ bầu trời của Việt Nam đã được các thế hệ cha anh đi trước làm. "Việc chúng tôi làm ở đây, chúng tôi nghĩ rằng là bước tiếp theo của thế hệ sau này để chúng ta tiếp bước khát khao, khát vọng làm chủ bầu trời và khi chúng tôi sản xuất ra thành công sản phẩm đầu tiên này rồi, chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ được đón nhận", ông Trần Hải Đăng nói trên VOV.
TP-150 có gì hay?
Ông Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Kỹ thuật Công ty Flying Legend Việt Nam - cho biết, từ năm 2023 ông cùng nhóm bạn cùng là kỹ sư hàng không đã lên ý tưởng sản xuất máy bay tại Việt Nam. "Rất may mắn khi chúng tôi tìm được đối tác đến từ Italy sẵn sàng chuyển giao công nghệ lẫn sản xuất máy bay tại Việt Nam. Đây là cơ sở đầu tiên để hình thành Flying Legend Việt Nam cũng như máy bay TP-150", tờ Dân trí dẫn lời vị giám đốc kỹ thuật này.
Sản phẩm này được thiết kế, chế tạo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế như EASA CS-VLA và FAA Experimental Aircraft cũng như nhiều tiêu chuẩn quân sự. Máy bay được chế tạo hoàn toàn bằng hợp kim nhôm và trang bị hệ thống càng thu thả được, máy bay có khả năng cất hạ cánh trên nhiều bề mặt đường băng khác nhau. Hệ số quá tải +6/-3G cho phép TP-150 thực hiện các động tác nhào lộn trên không và bay theo đội hình.
TP-150 có trọng lượng rỗng 430kg, trần bay ở độ cao 6.400m, tốc độ bay tối đa lên tới gần 300km/h. Hệ thống buồng lái thiết kế với 2 ghế ngồi, cho phép mang theo hành lý lên tới 34kg, phù hợp với công tác huấn luyện phi công quân sự.
Máy bay TP-150 trang bị động cơ 150 mã lực, có thể bay với tốc độ gần 300km/giờ liên tục trong 6,5 giờ (với thùng dầu phụ) và thực hiện các bài bay nhào lộn phức tạp, cũng như bay biểu diễn theo đội hình.
Được biết, động cơ, cánh quạt và thiết bị điện tử của các nước phương Tây, phần còn lại bao gồm các cấu trúc thân, cánh, càng và phụ kiện được sản xuất và lắp ráp hoàn toàn tại nhà máy của Flying Legend Vietnam ở tỉnh Vĩnh Phúc.
"Đây là máy bay huấn luyện hạng nhẹ, sơ cấp, hệ thống cánh quạt, hệ thống dẫn đường có tiêu chuẩn và được mua ở nước ngoài, động cơ là động cơ rotax của Mỹ. Những thứ đó đã được mô đun và họ chế tạo thành những mô đun tiêu chuẩn của thế giới, chúng ta sử dụng thôi, không mất công vào để sản xuất nó", VOV dẫn lời ông Nam.
Trên website thông báo về việc công bố sản phẩm máy bay huấn luyện quân sự TP-150 tại Triển lãm quốc phòng Việt Nam 2024, phía Flying Legend Vietnam cho biết, mẫu TP-150 có thể sử dụng để huấn luyện phi công quân sự và tuần tra.
Theo thiết kế, máy bay có thể tích hợp được dù khẩn cấp, thùng nhiên liệu phụ và hệ thống tuần tra giám sát. Khi trang bị thêm các thiết bị như camera và radar chuyên dụng, máy bay có thể thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới hoặc giám sát bờ biển.
Chia sẻ trên VOV Giao thông, ông Nam cho biết, chiếc máy bay này có ưu điểm chính là nó là một chiếc máy bay rất phù hợp với máy bay huấn luyện sơ cấp, cũng như bay thể thao. Chính vì vậy, chúng ta chủ động hoàn toàn về trang thiết bị vật tư, khí tài nếu sau này trong quá trình hoạt động, bảo dưỡng nó thì chúng ta chủ động hoàn toàn trong công tác bảo đảm đó.
Trong khi đó, theo nhận định của Trung tướng Nguyễn Kim Cách, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương - một phi công, từng lái các loại máy bay chiến đấu của Việt Nam thì chiếc máy bay này có rất nhiều tiềm năng để đưa vào thực tế, có thể đưa vào huấn luyện phi công, bước đầu tiên trong quá trình huấn luyện phi công chiến đấu.
Ngoài ra, sản phẩm này có thể đưa vào các hoạt động máy bay thể thao, cho các câu lạc bộ hàng không cũng như những người yêu thích thể thao. Sau này khi điều kiện kinh tế tốt hơn, có thể dùng làm máy bay tư nhân; có thể dùng máy bay này để giúp cho nông nghiệp, tuần tra kiểm soát và rất nhiều tác dụng khác.
Ông Francesco Rummolino CEO Flying Legend Italy, đồng sáng lập Flying Legend Việt Nam cho rằng: "Thời điểm hiện tại thì máy bay này có thể ứng dụng phục vụ cho công tác huấn luyện sơ cấp của phi công quân sự. Đây là sự lựa chọn mang tính chất đầu tư thấp, chi phí thấp. Trong tương lai thì chúng tôi cũng sẽ phối hợp với cả các đối tác tại Việt Nam để phát triển dòng máy bay phục vụ cho ngành hàng không chung nhưng hiện tại thì máy bay này chỉ phục vụ cho huấn luyện quân sự".
Về triển vọng của chiếc máy bay, ông Nam cho hay, sau triển lãm quốc phòng, nhóm 3 thành viên sẽ nộp đơn đến các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Cục Tác chiến, Quân chủng Phòng không - Không quân, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ.
Ông cũng chia sẻ thêm, sau khi xuất xưởng TP-150 sẽ trở thành sản phẩm thương mại và được bán ở một số nước như Dominica, các vùng Nam Mỹ cũng như Châu Phi. Sản phẩm phần lớn sử dụng trong lực lượng không quân của các nước.